Thầy trò khổ sở vì bàn ghế

Đà NẵngTrường học dùng bàn ghế dính liền, chung kích cỡ giữa các khối lớp gây phiền hà cho giáo viên và học sinh.

Lớp 4/7 trường Tiểu học Duy Tân, quận Liên Chiểu, có 43 học sinh, phải kê đến 22 bàn. Học sinh ngồi chen chúc vì chật, nhưng khổ nhất là cảnh bó gối trong những bộ bàn ghế thiết kế kiểu cũ. Nhà trường có 35 phòng học nhưng 14 phòng phải sử dụng bàn liền ghế.

Khi cô chủ nhiệm gọi lên bảng, Nguyễn Hoàng Khánh Ly loay hoay mãi mới rút được chân ra khỏi bộ bàn ghế dính liền nhau.

Khánh Ly nói đã quen vì từ năm lớp một đã ngồi học trên những bộ bàn ghế như thế này, nhưng khó khăn với em là chiều cao đến 1m59, nặng gần 50kg nên mỗi lần di chuyển "chân không va vào ghế thì đầu gối cũng đụng phải bàn". Ly cùng chục bạn khác luôn được xếp ngồi cuối lớp.

Học sinh lớp 4/7 Trường Tiểu học Duy Tân (Đà Nẵng) ngồi học với bàn liền ghế. Ảnh: Nguyễn Đông

Học sinh lớp 4/7 trường Tiểu học Duy Tân, Đà Nẵng, ngồi học với bàn liền ghế, chiều 5/10. Ảnh: Nguyễn Đông

Cô Nguyễn Thị Minh Xuân, chủ nhiệm lớp 4/7, cho hay đầu mỗi tiết học thường có phần khởi động nhằm tạo hứng thú. Song khi giáo viên cho học sinh vận động theo bài hát thì không thể xếp hàng bốn hoặc ba vì quá chật, không thể dồn bàn ghế được. Mọi việc cũng tương tự với hoạt động nhóm hay các hình thức dạy học khác, học sinh rất khó di chuyển trong lớp.

Ngay cả khi học sinh ngồi một chỗ, bàn liền ghế cũng gây ra phiền toái.

"Khoảng cách giữa bàn với ghế quá gần, học sinh nếu không ngồi nghiêm trang, xoay qua xoay lại rất dễ làm rung bàn phía dưới, ảnh hưởng đến các bạn đang chép bài. Nhiều em ngồi học phải bỏ một chân ra ngoài lối đi mới thoải mái được", cô Xuân nói. Ngoài ra, những bộ bàn ghế như vậy cũng khiến việc quét rác, lau nền khó khăn hơn.

Thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Duy Tân, cho biết sĩ số bình quân mỗi lớp học lên đến 42 em, có lớp 47 em. Học sinh đông thì phải kê thêm bàn ghế, nhưng gần một nửa phòng học là bàn liền ghế, gây khó khăn rất lớn cho giáo viên cũng như học sinh.

Trường có 319 bộ ghế liền bàn, được sử dụng cho học sinh lớp 1, 2 và 4. Theo thầy Hỷ, học sinh lớp 4 sẽ hơi chật vật.

"Nhất là bây giờ nhiều em phát triển thể trạng vượt xa so với quy định về kích cỡ bàn ghế trước đây, nên cần sớm thay đổi để đảm bảo việc học cũng như sự phát triển thể chất bình thường của học sinh", thầy Hỷ nói.

Bàn liền ghế gây khó khăn cho học sinh trong việc di chuyển, không gian lớp học bị hạn chế. Ảnh: Nguyễn Đông

Bàn liền ghế gây khó khăn cho học sinh trong việc di chuyển, không gian lớp học bị hạn chế. Ảnh: Nguyễn Đông

Chị Ánh Ngọc, phụ huynh có con học lớp 1 và lớp 5 ở một trường khác, cho hay thường xuyên phải hỏi con về bàn ghế để trao đổi với giáo viên chủ nhiệm. Theo chị, lớp có sĩ số cao hơn chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (35 học sinh/lớp) nên khi kê thêm bàn, khoảng cách san sát nhau.

"Chiều cao của học sinh cũng có sự vượt trội, nhiều em muốn duỗi chân thì đụng ngay bạn ngồi phía trước. Tư thế ngồi học rất gò bó, muốn chép bài thì phải cúi người, cong lưng...", chị Ngọc nói.

Tình trạng bàn ghế cũ, không đáp ứng tiêu chuẩn xảy ra ở nhiều trường học ở Đà Nẵng, đã được thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND thành phố.

"Có trường hợp học sinh lớp 5 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 1, học sinh lớp 9 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 6", đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị, nói.

Ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, cho hay việc kích thước bàn ghế không phù hợp với học sinh đã được Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành kiến nghị chung trong văn bản báo cáo điều chỉnh Thông tư 26 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Y tế.

"Đây là câu chuyện đã kiến nghị cả 5-10 năm qua rồi", ông Linh nói.

Hồi tháng 2, cử tri tỉnh Tuyên Quang cũng có ý kiến tương tự, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 26 theo hướng tăng kích thước của bàn, ghế cho phù hợp với thể trạng của học sinh các cấp.

Học sinh lớp 1 ngồi bàn liền ghế, cùng kích cỡ như học sinh lớp 4. Ảnh: Nguyễn Đông

Học sinh lớp 1 ngồi bàn liền ghế, cùng kích cỡ như học sinh lớp 4. Ảnh: Nguyễn Đông

Thông tư 26 năm 2011 quy định kích thước bàn ghế với học sinh từ tiểu học đến THPT, được ban hành trên cơ sở Tiêu chuẩn quốc gia năm 2005. Căn cứ theo chiều cao của học sinh (1-1,75 m), bàn ghế được chia thành 6 cỡ số. Tùy theo cỡ, bàn có chiều cao từ 45 đến 69 cm, ghế cao từ 26 đến 41 cm. Trường học có thể áp dụng linh hoạt, một lớp học có thể phải xếp đặt nhiều bộ bàn ghế có kích cỡ khác nhau. Thông tư cũng không bắt buộc các trường phải sử dụng bàn liền ghế.

Ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết không quá nhiều học sinh bị ảnh hưởng nếu bàn ghế được sắp xếp đúng theo quy định tại thông tư này.

"Trên 70% bất cập bàn ghế quá nhỏ so với thể trạng của học sinh đến từ khâu tổ chức thực hiện và sắp xếp của các nhà trường, địa phương", ông nói.

Bộ nhận thấy nhiều nơi tổ chức mua sắm bàn ghế theo hình thức tập trung, trong khi các trường chưa làm tốt việc khảo sát chiều cao của học sinh dẫn đến việc bàn ghế có thể phù hợp với học sinh trường này nhưng không phù hợp với trường khác.

Bên cạnh đó, rất nhiều trường bố trí cho học sinh ngồi ở một phòng học với cùng một bộ bàn ghế từ đầu cấp đến cuối cấp, nên bàn ghế được sắm phù hợp với học sinh lớp 1 nhưng đến lớp 5 các em vẫn ngồi. Tình trạng này xảy ra đặc biệt nhiều ở cấp tiểu học và THCS khi phụ huynh tự mua sắm điều hòa, tivi nên không muốn nhà trường chuyển con em sang phòng khác.

"Nói chung, có nhiều trường rất hạn chế việc sắp xếp và luân chuyển bàn ghế, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần chỉ đạo", ông Hùng Anh nói.

Điểm cần sửa đổi duy nhất trong Thông tư 26, theo ông Hùng Anh là kích cỡ bàn ghế cho học sinh cao trên 1m75. Ông cho hay qua khảo sát thực tế ở nhiều địa phương cho thấy một số học sinh cấp THPT có chiều cao trên mức này nên bàn ghế chưa phù hợp. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế nghiên cứu về nhân trắc học sinh để sửa đổi, điều chỉnh Thông tư 26.

Hiện, nhiều trường học ở Đà Nẵng đã tìm giải pháp tự thích ứng. Như trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, thường xuyên rà soát chiều cao học sinh từng lớp mỗi dịp đầu năm học để kê hai loại bàn ghế trong cùng một lớp học.

"Nhiều em học lớp 6 nhưng chiều cao lại tương đương học sinh lớp 8-9. Trong khi có học sinh lớp 9 nhưng cao bằng học sinh lớp 6. Do đó phải linh động kê bàn ghế phù hợp", thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng, nói.

Nguyễn Đông - Dương Tâm

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: https://vnexpress.net/thay-tro-kho-so-vi-ban-ghe-4661877.html

Tin khác

Sidebar Trang chủ Tài khoản