Không gây áp lực thực hiện 'trường học hạnh phúc'

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói việc thực hiện "trường học hạnh phúc" phải xuất phát từ nhu cầu của trường và giáo viên, không nên đưa thành phong trào rồi tạo áp lực cho họ.

Tại Tọa đàm về trường học hạnh phúc sáng 25/10 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ và Phát triển trường học hạnh phúc (Happy Lof Schools), ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn nhận hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, mỗi người, mỗi giai đoạn lại có cách hiểu khác nhau. Tựu trung, hạnh phúc cảm giác hứng khởi, cảm xúc tích cực của con người trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, với thế hệ của ông, đến trường là hạnh phúc.

Về lý do cần xây dựng trường học hạnh phúc, bà Louise Aukland, chuyên gia nghiên cứu về khoa học thần kinh, Đại học Oxford, Anh, cho rằng ngành giáo dục cần có trách nhiệm xây dựng một môi trường học tập tốt hơn cho học sinh.

Dẫn lại số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), bà Louise cho biết cứ ba học sinh thì có một em bị bạo hành hàng tháng tại trường học và 20% thanh thiếu niên toàn cầu đang gặp vấn đề về rối loạn tâm thần.

"Chúng ta không chỉ là khiến học sinh cười, mà phải giúp các em thích đến trường, có cảm xúc, suy nghĩ và tư duy tích cực. Những người trẻ hạnh phúc sẽ đạt kết quả tốt hơn", bà nói.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Sau đó, một số tỉnh, thành, trường học đã đưa hoạt động này trở thành phong trào thi đua với nhiều tiêu chí, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng. Tuy nhiên, ông Vũ Minh Đức nói việc này cần phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của các trường và giáo viên.

"Đừng biến trường học hạnh phúc thành phong trào, tiêu chí thi đua rồi bắt các trường thực hiện. Như thế là lại tạo thêm áp lực cho họ", ông Đức bày tỏ.

Ngoài ra, theo ông Đức, nhiều trường thực hiện hiệu quả, giúp giảm áp lực cho học sinh và giáo viên, thầy trò thích đến lớp. Song, một số mô hình chưa phù hợp, bị lợi dụng cho mục đích kinh tế. Do đó, ông đề nghị các nhà trường phải đảm bảo những giá trị cốt lõi của mô hình này.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại toạ đàm sáng 25/10. Ảnh: Thanh Hằng

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sáng 25/10. Ảnh: Thanh Hằng

TS Lê Thị Quỳnh Nga, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, gợi ý mô hình trường học hạnh phúc với hai yếu tố chính.

Bà Nga cho biết đầu tiên là yếu tố ngoại cảnh như cảnh quan thân thiện, an toàn, cơ sở vật chất kiên cố, phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, tiêu chí này cũng bao hàm cả mối quan hệ giữa người với người, để học sinh thấy được đối xử tôn trọng, tin tưởng, chia sẻ.

"Ví dụ cổng trường sắp đổ, quạt trần có nguy cơ rơi thì học sinh sao hạnh phúc được. Tương tự, cách đối xử giữa giáo viên với nhau, giữa nhân viên với học sinh cũng cần được chú trọng, làm sao đảm bảo văn minh, tôn trọng", bà nói.

Yếu tố còn lại, bà Nga cho rằng vì hạnh phúc là trạng thái cảm xúc cá nhân, nên để học sinh cảm được sự hạnh phúc, các em cần khỏe cả thể chất và tinh thần.

"Trường học nên tích cực tổ chức hoạt động thể thao, giúp học sinh nâng cao sức khỏe. Còn tinh thần thì làm sao hỗ trợ các em tư duy tích cực, từ đó sẽ có cảm xúc tích cực, khởi nguồn của cảm giác hạnh phúc", bà Nga nói.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, bà Lê Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục, cho biết không xây dựng nội quy chung cho toàn trường. Thay vào đó, học sinh từng lớp tự xây dựng nội quy riêng. Khi đó, các em sẽ có trách nhiệm thực hiện tốt hơn.

"Nếu học sinh vi phạm nội quy, chúng tôi chú trọng hoạt động tư vấn tâm lý để tìm hiểu vì sao đứa trẻ phản ứng như vậy, không thể cứ thấy lệch là phê bình", bà Hương chia sẻ.

Gần một tuần trước, hội thảo về trường học hạnh phúc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội đã thu hút hơn 500 giáo viên ở hơn 60 tỉnh, thành tham gia. Tại đây, các nhà giáo thảo luận, tìm kiếm giải pháp để giảm áp lực trong nhà trường, tìm cách giáo dục tích cực, giải quyết bạo lực học đường,...

Thanh Hằng

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: https://vnexpress.net/khong-gay-ap-luc-thuc-hien-truong-hoc-hanh-phuc-4668986.html

Tin khác

Sidebar Trang chủ Tài khoản