Sinh viên ưu tú Trung Quốc không còn khao khát du học Mỹ

Chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp từ hai đại học hàng đầu của Trung Quốc là Thanh Hoa và Bắc Kinh du học Mỹ, tỷ lệ giảm mạnh so với khoảng chục năm trước.

Năm 1989, khoảng 1.600 trong hơn 2.200 sinh viên, tương đương 70% sinh viên trường tinh hoa sang Mỹ và ở lại. Câu chuyện được nhà sinh vật học Shi Yigong kể vào năm 2017, lúc đó đang là Phó hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa, trên đài CCTV. Lựa chọn phổ biến của đa số du học sinh là các trường hàng đầu tại Mỹ hoặc Anh.

Ngày nay, điều này đã thay đổi đáng kể. Một thống kê chỉ ra rằng trong năm 2022, chỉ 7% số người tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, cả bậc cử nhân và cao học, tiếp tục theo đuổi học vấn ở nước ngoài. Tương tự, Đại học Bắc Kinh ghi nhận 14% trong gần 3.200 sinh viên sang nước ngoài học tiếp. Con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2017.

"Trong bốn năm gần đây, phần lớn sinh viên ưu tú nhất đã lựa chọn ở lại Trung Quốc, chỉ một số ít đi du học", một nhà vật lý ở Đại học Thanh Hoa cho biết.

Thanh Hoa và Bắc Kinh là hai đại học hàng đầu của Trung Quốc, lần lượt đứng thứ 12 và 14 thế giới theo bảng xếp hạng đại học 2024 của THE. Điều đó cho thấy môi trường học thuật và việc làm trong nước ngày càng hấp dẫn các sinh viên có thành tích học tập tốt.

Ảnh minh họa: SCMP

Ảnh minh họa: SCMP

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, tính từ khi nước này mở cửa năm 1978 đến năm 2021, khoảng 8 triệu học sinh Trung Quốc du học. Bộ đánh giá đây là một con số rất lớn, tác động mạnh mẽ đến cả hai chiều trong dòng chảy Mỹ - Trung. Nhưng giờ đây, một số nhà khoa học đang làm việc tại Mỹ dần cảm nhận được sự thiếu vắng du học sinh Trung Quốc.

Theo Zhao Yiping, giáo sư Vật lý ở Đại học Georgia, Mỹ, trước đây, khoa ông chào đón hơn một nửa sinh viên mới là người Trung Quốc, nhưng năm nay, con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay, thay vào đó là sinh viên đến từ các nước đang phát triển như Nepal, Bangladesh.

"Chúng tôi muốn làm việc với sinh viên Trung Quốc hơn vì nhìn chung, họ có nền tảng học thuật vững chắc hơn", ông Zhao nói.

Đại dịch Covid-19 được cho là tác động trực tiếp đến sự chuyển dịch này. Thế nhưng, theo một số chuyên gia, điều quan trọng hơn cả là Trung Quốc đang trở thành một cường quốc khoa học và công nghệ toàn cầu, khác xa so với đầu thế kỷ. Báo cáo hồi tháng 6 của Nature Index, một tổ chức nghiên cứu và xếp hạng học thuật toàn cầu cho thấy các tổ chức của Trung Quốc vượt Mỹ và các nước phương Tây về số lượng công bố bài báo khoa học.

"Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực học thuật. Ví dụ, nếu sinh viên bị hạn chế lấy bằng Khoa học máy tính ở Mỹ, khả năng cao họ sẽ không tìm khóa học thay thế ở Đức, Anh hay nơi khác, vì Trung Quốc cũng là cường quốc hàng đầu và có rất nhiều công ty công nghệ lớn", ông Shen Wenqin, phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Cùng với đó, Trung Quốc đã và đang nâng cấp cơ cấu công nghiệp nhằm phát triển thành một nền kinh tế công nghệ tiên tiến, bởi vậy tạo nhiều việc làm cho các chuyên gia công nghệ trẻ.

"Trung Quốc không còn phụ thuộc vào phương Tây trong việc đào tạo nhân tài như trước đây nữa", giáo sư Zhao khẳng định.

Ông Shen nhìn nhận trước đây những bộ óc giỏi nhất ra nước ngoài và phần lớn không quay lại, đã gây tổn hại cho hệ thống đào tạo nhân tài của Trung Quốc. Shen đánh giá sự chuyển dịch này là tích cực.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại nếu xu hướng này gia tăng, bởi sự phát triển khoa học của Trung Quốc một phần đến từ chính sách gửi các tài năng trẻ sang học tập ở các nước phát triển và duy trì trao đổi học thuật với thế giới.

Phương Anh (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: https://vnexpress.net/sinh-vien-uu-tu-trung-quoc-khong-con-khao-khat-du-hoc-my-4664150.html

Tin khác

Sidebar Trang chủ Tài khoản