Đại học gặp khó vì trả lương tiến sĩ chỉ bằng 1/3 doanh nghiệp

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nói phải cạnh tranh rất lớn vì chỉ đảm bảo được lương 15 triệu đồng/tháng cho tiến sĩ 5 năm kinh nghiệm, còn doanh nghiệp chi 40-50 triệu.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội sáng 24/10, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nói gặp nhiều khó khăn trong việc tính toán chi thu nhập cho cán bộ, nhân viên khi tăng lương cơ sở và cạnh tranh với tư nhân để thu hút nhân lực.

Ông Quân cho hay Đại học Quốc gia Hà Nội được giao nhiệm vụ đào tạo những ngành mà xã hội có nhu cầu cao, đặc biệt là kỹ thuật công nghệ. Cơ sở đào tạo tuyển được một tiến sĩ học nước ngoài về ngành khoa học cơ bản mà có thể chi lương 15-20 triệu là phấn khởi.

"Nhưng cũng là tiến sĩ ngành khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, fintech khi vào doanh nghiệp, họ đòi hỏi mức thu nhập không dưới 40-50 triệu. Sự cạnh tranh rất lớn", ông Quân nói.

Hồi năm 2021, theo báo cáo về tự chủ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 60% giảng viên có thu nhập ở mức 100 - 150 triệu một năm, tức 8,3 đến 12,5 triệu đồng một tháng. Để đảm bảo mức 15 triệu đồng một tháng, cuối năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội phải đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính với giảng viên dưới 40 tuổi bằng cách đặt hàng, giao nhiệm vụ, đề tài khoa học. Tuy nhiên, đại học này cũng đánh giá mức này không cao.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân. Ảnh: Hoàng Phong

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân. Ảnh: Hoàng Phong

Theo ông Quân, bài toán đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học phải bắt nguồn từ thu nhập, chưa kể điều kiện sinh hoạt, làm việc cho chuyên gia, nhà khoa học. Trong khi đó, các trường lại không đủ nguồn lực để thu hút họ, nhất là ở những ngành mới hoặc có tính ứng dụng cao. Nguyên nhân là cơ chế tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc.

"Chúng ta vẫn nói tự chủ không phải là cắt chi, nhưng trên thực tế vẫn là như vậy. Với tốc độ giảm chi thường xuyên, giảm biên chế, rõ ràng các trường đại học tự chủ tài chính rất khó khăn", ông Quân nói.

Cùng với đó, các trường đại học chịu nhiều ràng buộc khi thực hiện chính sách học phí. Nhiều ngành muốn tăng học phí nhưng vướng trần. Ngoài ra, các đại học cũng không thể chỉ trông chờ vào học phí để tồn tại và phát triển.

Ông Quân đề nghị Quốc hội ủng hộ để có chính sách hỗ trợ tài chính cho các trường đại học, nhất là khi tăng trường kinh tế, thu nhập của người dân giảm sút. Với các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ, Chính phủ cần tính toán cơ chế trả lương cho cán bộ, giảng viên trong bối cảnh cải cách tiền lương hiện nay.

Hiện tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam khoảng 31%, mục tiêu đạt 35% vào năm 2025. Mức này thấp hơn nhiều so với các đại học ở Anh, Mỹ hay Malaysia, Srilanca (50-75%).

Đầu năm 2019, Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý ở đại học, nêu rõ đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục ở bậc học này. Hai trong bốn mục tiêu của đề án là đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% giảng viên đại học (7% ở nước ngoài, 3% ở trong nước); thu hút 1.500 nhà khoa học, giảng viên có trình độ tiến sĩ trong và ngoài nước đến giảng dạy tại các đại học.

Sơn Hà

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: https://vnexpress.net/dai-hoc-gap-kho-vi-tra-luong-tien-si-chi-bang-1-3-doanh-nghiep-4668378.html

Tin khác

Sidebar Trang chủ Tài khoản