Cơm trưa không thịt của học trò biên ải

Lai ChâuVắt vẻo ngồi trên lan can tầng 1, Giàng Hoa Xinh, 6 tuổi, mở cặp lồng cơm trắng và một miếng bim bim để ăn trưa.

Hoa Xinh, dân tộc Mông, là học sinh lớp 1A1, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ.

Nhà cách nửa ngọn đồi, mỗi lần đi bộ mất hơn 40 phút, nên Xinh mang theo cơm để ăn trưa tại trường. Hầu như mọi ngày, em chỉ có cơm trắng, ăn kèm một thanh cay, hay bim bim theo cách gọi của học trò Tung Qua Lìn. Mỗi khi xúc một miếng cơm, Xinh lại mút thanh cay để có thêm vị. Cô bé cao gần 1 m, nặng 15 kg ăn ngon lành, chốc chốc lại cười xấu hổ vì "thực đơn đạm bạc" của mình khi có bạn chạy qua.

Cách chỗ Xinh chừng 10 m, Giàng A Chính, lớp 2A1, ngồi xổm ở góc hành lang, cũng ăn cơm trắng và bí đỏ xào. Mỗi tay một thìa, Chính và cơm liên tục, thi thoảng quệt mũi.

Ở khu nhà tạm của thầy cô, khoảng 10 học sinh đang chụm đầu lấy mỳ tôm trong nồi. Đây là những em không có đồ ăn trưa, hoặc chỉ có cơm trắng, nên được giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ nấu mỳ với trứng.

"Có khi học trò nhờ thầy cô nấu nước sôi để chan với cơm, nhưng tôi không nỡ, lại nấu mỳ tôm cho các em", thầy Đồng Văn Phong, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2, nói.

Thầy Phong cho biết tiền mỳ tôm, trứng mỗi bữa cho học trò khoảng 50.000 đồng, có hôm nhiều hơn, nên bình quân dao động 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng.

"Chẳng có cá nhân hay tổ chức nào hỗ trợ cái này, nên thầy cô thương học trò thì chung tay giúp các em", thầy Phong vừa nói, vừa đưa bát, đũa để học trò lấy mỳ.

Học sinh lấy mì và trứng, đứng ăn tại chỗ. Ảnh: Thanh Hằng.

Học sinh lấy mì và trứng, đứng ăn tại chỗ. Ảnh: Thanh Hằng.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn thuộc xã cùng tên. Nằm giữa các dãy núi cao của biên giới Việt - Trung, Tung Qua Lìn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Hầu hết học sinh tại trường là người dân tộc Mông, số ít người Hà Nhì.

Cô Lù Thị Lan Hương, Hiệu trưởng, cho biết khoảng 1/3 trong số hơn 380 học sinh tiểu học mang cơm, ở lại trường buổi trưa. Nhưng có thịt trong bữa trưa là điều xa xỉ với các em. Thực đơn phổ biến là bí đỏ, củ cải xào, cá khô; nhiều học sinh ăn cơm trắng với thanh cay như Xinh hoặc chan nước sôi. Có lần, cô Hương bắt gặp học sinh ăn cơm với thịt chuột. Các em thường ăn trưa mỗi đứa một góc, ngại để bạn bè thấy hộp cơm "không người lái" của mình.

Bữa trưa không thịt của học sinh Tung Qua Lìn. Ảnh: Thanh Hằng.

Bữa trưa không thịt của học sinh Tung Qua Lìn. Ảnh: Thanh Hằng.

Trước năm học 2019-2020, hầu hết học sinh Tung Qua Lìn đủ điều kiện ăn, ở bán trú tại trường. Theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh, trường phổ thông ở xã đặc biệt khó khăn, học sinh tiểu học được hưởng chế độ bán trú nếu nhà ở cách trường từ 4 km. Hàng tháng, các em được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, tương đương 720.000 đồng (tính từ 1/7 năm nay) và 15 kg gạo.

Từ khi con đường bêtông nối bản Hờ Mèo, nằm ở chân núi, lên trường Tung Qua Lìn ở đỉnh núi hoàn thành, khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh được rút ngắn. Không em nào ở xa trường quá 4 km, đồng nghĩa các em cũng không được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú nữa.

Vì vậy, học sinh hoặc đi bộ về buổi trưa, chiều tiếp tục đi bộ tới trường, hoặc mang cơm theo từ sáng và ở luôn tại trường.

Cô Hương cho biết không giáo viên nào muốn học sinh chọn cách thứ nhất. Dù đường được rút ngắn nhưng quãng đường này rất khó đi vì dốc thẳng đứng. Học sinh hầu hết là người Mông - dân tộc còn tình trạng kết hôn cận huyết, nên thể trạng nhỏ bé. Một học sinh lớp 5 thường chỉ nặng gần 20 kg, cao hơn 1 m. Do đó, để vượt 2 km đường dốc, các em mất gần một tiếng.

"Nếu đi bộ về nhà buổi trưa, chiều lại đến trường, các em không đủ thời gian để nghỉ ngơi. Nhiều em mệt và lười, nếu đã về trưa thì chiều không đi học", cô Hương nói.

Theo cô hiệu trưởng, những ngày nắng còn đỡ, mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt, học sinh lên hay xuống núi đều nguy hiểm. Mùa đông tới, trời rét cắt thịt, các em sẽ đến lớp với mái đầu ướt sũng sương, chân không tất và run cầm cập.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn
 
 

Đường đi học của học sinh Tung Qua Lìn. Video: Thanh Hằng

Sốt ruột với thực tế này, lãnh đạo xã Tung Qua Lìn đã nhiều lần kiến nghị cho học sinh tại đây được hưởng chế độ ăn, ở bán trú theo Nghị định 116.

"Năm nào cũng kiến nghị, khi thì nói với đoàn đại biểu của tỉnh, khi nói trong buổi tiếp xúc cử tri, nhưng chúng tôi chưa bao giờ được hồi âm", ông Ma A Gà, Phó Chủ tịch xã Tung Qua Lìn, cho biết.

Theo lãnh đạo xã, chính sách nên được áp dụng theo điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương. Ông Gà nhận định học sinh vùng núi đều đi bộ, quãng đường 2 km "nghe thì gần", nhưng là một con dốc thẳng đứng nên rất vất vả. Chưa kể về lâu dài, việc ăn uống không đảm bảo sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, trí tuệ của cả một thế hệ.

"Chỉ mong học trò sớm được ăn bán trú ở trường", ông Gà nói.

Hoa Xinh, A Chính và 380 học sinh tiểu học khác thì không biết tới những thay đổi của chính sách. Các em vẫn đều đặn hàng ngày xách theo cặp lồng cơm, đi bộ tới trường.

Bữa nào cũng ăn hết sạch cơm, nhưng khi được hỏi "có ngon không?", Xinh lí nhí nói "thích ăn với trứng hơn, hoặc rau cũng được".

Thanh Hằng

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: https://vnexpress.net/com-trua-khong-thit-cua-hoc-tro-bien-ai-4656610.html

Tin khác

Sidebar Trang chủ Tài khoản